Các nhà khoa học đã tạo ra một bảng gồm sáu câu hỏi và chỉ mất hai phút để dự đoán một em bé sơ sinh khi lớn lên có bị béo phì hay không.
Đó chính là sản phẩm trí tuệ của các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Imperial – London, hiện đã có sẵn trên mạng. Các nhà nghiên cứu cho biết bảng điều tra này được sử dụng để giúp mọi người xây dựng thói quen tốt để con cái không bị thừa cân sau này. Giáo sư Philippe Froguel, người đứng đầu nghiên cứu cho biết một khi đứa trẻ đã bị béo phì thì rất khó giảm cân, do đó ngăn ngừa là biện pháp tối ưu và bắt đầu càng sớm càng tốt.
Đội nghiên cứu của giáo sư Froguel đã chọn lọc ra 6 trong số 12 yếu tố liên quan đến béo phì để làm thành bảng câu hỏi dự đoán chính xác nguy cơ béo phì của trẻ em khi lớn lên.
1.Chỉ số cơ thể BMI của bố (là tỉ lệ giữa cân nặng so với chiều cao)
2.Chỉ số cơ thể BMI của mẹ
Nếu bố mẹ thừa cân thì con cái có nguy cơ bị béo phì vì chúng sẽ bắt chước những thói quen xấu từ bố mẹ.
3.Số thành viên trong gia đình: công trình nghiên cứu cho thấy những đứa trẻ có bố hoặc mẹ đơn thân có nguy cơ béo phì cao hơn vì chúng ít được chăm sóc hơn.
4.Công việc của người mẹ (không có tay nghề/học việc/thất nghiệp/lao động chân tay có kinh nghiệm/lao động trí óc có kinh nghiệm/chuyên gia/kỳ cựu)
5.Thói quen hút thuốc của người mẹ (có hút thuốc/không hút thuốc): những người mẹ hút thuốc sinh con nhẹ cân nhưng chúng lại có khuynh hướng thừa cân khi lớn lên.
6.Cân nặng của đứa trẻ khi sinh ra
Sáu câu hỏi giúp dự đoán nguy cơ béo phì ở trẻ
Bảng câu hỏi này được tiến hành thử nghiệm trên diện rộng ở Phần Lan, Ý và Mỹ và đã cho kết quả rất nhanh và chính xác.
Trên tờ tạp chí PLoS ONE, các nhà nghiên cứu cho biết bố mẹ có con có nguy cơ bị béo phì sẽ được cung cấp thông tin về chế độ dinh dưỡng hợp lý và các bài tập thể dục. Các bậc phụ huynh cũng được giáo dục về việc cho trẻ bú sữa mẹ – là một trong những cách hữu hiệu giảm nguy cơ béo phì ở trẻ khi lớn lên, hạn chế xem ti vi và không cho trẻ uống nước uống có ga.