Chất béo không thể vắng mặt trong cơ thể sống, nhưng nếu dư thừa chúng sẽ trở thành nguy hại.
Lười ăn rau, ít vận động
Điều tra trên toàn quốc với người trưởng thành lứa tuổi 24-75 về thực trạng mắc hội chứng chuyển hóa trong cộng đồng do Viện Dinh dưỡng Quốc gia thực hiện cho thấy, có 26% người hàm lượng mỡ trong máu cao hơn mức bình thường. Riêng khu vực TP lớn như Hà Nội, TP.HCM, tỷ lệ này lên đến 44%.
Theo bác sĩ Yên Lâm Phúc (Học viện Quân y, Hà Nội), tăng nồng độ lipid máu, mà chúng ta quen gọi tăng mỡ máu, là tình trạng xuất hiện quá nhiều chất béo lưu hành trong máu.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nói: “Chỉ số mỡ máu cao hơn mức bình thường được coi là mắc hội chứng rối loạn chuyển hóa.
Đó là giai đoạn chưa gây nên bệnh lý, nhưng chính là yếu tố tiền đề, là nguyên nhân dẫn đến các bệnh: đái tháo đường, tim mạch, tăng huyết áp… Thói quen ăn uống nhiều đạm động vật và ít vận động, ít hoạt động thể lực là yếu tố quan trọng làm tăng mỡ máu”.
Kiểm soát mỡ máu
Bác sĩ Yên Lâm Phúc cho biết, thường mỡ được dự trữ trong tế bào mỡ, tích tụ ở dưới da, khi lượng mỡ dư, nó sẽ tái phân bố. Mỡ dư thường tích tại vùng bụng, thành ruột, thành tim, thành mạch máu, máu, tim, gan, tụy, não là những cơ quan đích của quá trình này.
Tăng mỡ máu là “khơi nguồn” cho tăng nguy cơ bị bệnh xơ vữa động mạch; bệnh viêm gan nhiễm mỡ; viêm tụy cấp…
Bệnh thường gặp nhất do tăng mỡ máu là xơ vữa động mạch. Ở bệnh này, từng mảng lipid hình thành và lắng đọng, kết tụ, tạo ra từng mảng vữa động mạch, phối hợp với sự biến đổi cấu trúc của tế bào sợi thành mạch gây ra xơ vữa.
Điều nguy hại ở chỗ xơ vữa động mạch hầu như không xuất hiện một mình, mà thường đi kèm với bệnh mạch vành, bệnh đột quỵ não và tăng huyết áp.
Thường người ta đánh giá nồng độ mỡ máu bằng hai xét nghiệm là định lượng nồng độ triglycerid toàn phần và nồng độ cholesterol toàn phần.
Trong giới hạn bình thường, nồng độ cholesterol toàn phần có giá trị từ 4-5 mmol/l và triglycerid toàn phần có giá trị nhỏ hơn 2,3 mmol/l. Vượt quá chỉ số này được xem là tăng mỡ máu.
Tuy nhiên, cũng không phải mọi sự vượt quá giá trị bình thường đều được coi là bệnh lý vì nó cũng bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác, chẳng hạn như ăn uống.
PGS-TS Nguyễn Thị Lâm lưu ý: luyện tập thể lực đều đặn, duy trì chế độ ăn thích hợp sẽ giúp chúng ta có một lượng mỡ máu khỏe mạnh.
Trong điều kiện học tập, lao động bình thường, người trưởng thành cần ăn 500 gr rau xanh/người/ngày, lưu ý giảm thịt, tăng lượng cá và giá đậu trong khẩu phần ăn; tăng cường vận động. Cần khám sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần.