Béo phì
Tổ chức Y tế thế giới định nghĩa béo phì là tình trạng tích lũy mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân đến mức ảnh hưởng tới sức khỏe. Béo phì là tình trạng sức khỏe có nguyên nhân dinh dưỡng. Thường thường một người trưởng thành khỏe mạnh, dinh dưỡng hợp lý, cân nặng của họ dao động trong giới hạn nhất định. “Cân nặng nên có” của mỗi người thường ở vào độ tuổi 25-30. Hiện nay, Tổ chức y tế thế giới thườg dùng chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index – BMI) để nhận định tình trạng gầy béo.
Người bị béo phì ngoài thân hình phì nộn, nặng nề, khó coi,… còn có nguy cơ mắc nhiều bệnh như rối loạn lipit máu, tăng huyết áp, sỏi mật, đái tháo đường, xương khớp,… và ung thư.
Hiện nay tình hình thừa cân và béo phì đang tǎng lên với tốc độ báo động không những ở các quốc gia phát triển mà ở cả các quốc gia đang phát triển. Đây thật sự là mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai. Tại các nước đang phát triển béo phì tồn tại song song với thiếu dinh dưỡng, gặp nhiều ở thành phố hơn ở nông thôn. Ở Việt Nam tỷ lệ thừa cân và béo phì khoảng 4% ở Hà Nội (1995) và Thành phố Hồ Chí Minh (2000); 10,7% ở lứa tuổi 15-49 và 21,9% ở lứa tuổi 40-49. Tỷ lệ béo phì ở trẻ học sinh tiểu học Hà Nội là 4,2% (1996) và 12,2% ở Thành phố Hồ Chí Minh (1997).
Nguy cơ
Béo phì có thể ảnh hưởng đến tim, phổi, khớp xương và xương. Có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng như:
- Cao huyết áp
- Tiểu đường
- Bệnh tim
- Tai biến mạch máu
- Các bệnh hô hấp
Phòng ngừa
- Tập thể dục ít nhất 3 lần (it nhất 30 phút) mỗi tuần.
- Tăng cường vận động: đi bộ, chơi thể thao, làm vườn,…
- Bỏ thuốc lá.
- Ăn nhiều trái cây và rau.
- Uống ít rượu.