Báo cáo viên Liên hợp quốc (LHQ) về quyền lương thực, Olivier De Schutter vừa lên tiếng báo động Chính phủ các nước trên thế giới. Tại Genève, trước Hội đồng Nhân quyền LHQ, ông De Schutter đã trình bày một báo cáo về sức khỏe và dinh dưỡng để báo động về một tai họa mới của nhân loại: nạn béo phì. Trước cuộc khủng hoảng y tế công cộng này, chúng ta phải đối phó ra sao? Theo báo cáo viên LHQ về quyền lương thực, những cảnh báo đối với người tiêu dùng, những chế độ ăn kiêng, thuốc giảm cân sẽ không giúp chặn đứng thảm họa đó. Ông kêu gọi các Chính phủ phải tấn công vào những vấn đề có tính chất cơ chế của nạn béo phì.
Số người béo phì ngày càng gia tăng trên toàn cầu.
Điều đáng nói là phương Tây nay cũng “xuất khẩu” bệnh tiểu đường và các bệnh tim mạch sang các nước đang phát triển, thông qua những thực phẩm chế biến sẵn. Theo dự báo của LHQ, từ nay đến năm 2030, mỗi năm hơn 5 triệu người sẽ chết trước tuổi 60 do những căn bệnh có liên hệ đến chế độ ăn uống.
Ông De Schutter nhấn mạnh: “Chúng ta đã để cho các công ty chế biến thực phẩm gánh trách nhiệm bảo đảm sự cân đối về dinh dưỡng”. Nhưng chính việc tiêu thụ ngày càng nhiều thực phẩm chế biến sẵn là mối đe dọa chính cho việc cải thiện dinh dưỡng. Những loại thực phẩm chế biến có thể được phân phối rộng rãi nhờ được bảo quản lâu và sản xuất từ những nguyên liệu rẻ tiền. Nhưng điều này chỉ có lợi cho các tập đoàn thực phẩm đa quốc gia, còn người tiêu dùng thì hoàn toàn thua thiệt. Lý do vì thực phẩm chế biến chứa rất nhiều muối, đường và nhất là chất béo chuyển hóa.
Theo nghiên cứu gần đây, một chế độ ăn uống quá nhiều chất béo và đường, theo kiểu pizza-soda sẽ dễ làm béo phì, thông qua cái mà họ gọi là một “bộ não tí hon” nằm trong ống tiêu hóa. Chính “bộ não tí hon” này ra lệnh cho dạ dày tống thức ăn đi nhanh hơn và như vậy tạo ra cảm giác đói. Tại những nước giàu, chính những người nghèo mới bị béo phì nhiều nhất, bởi vì những thực phẩm chế biến vừa béo, vừa ngọt, vừa mặn lại là những mặt hàng rẻ hơn những thực phẩm trong lành. Còn trẻ em thì lại dễ bị lôi cuốn vào những món ăn gây béo phì theo kiểu fast food.
Các nhà nghiên cứu Mỹ đã ghi nhận ở Hoa Kỳ, khoảng 50% trẻ em trong các gia đình có thu nhập thấp uống nước ngọt nhiều hơn gấp hai lần so với trẻ em các gia đình khác. Vì vậy, nạn béo phì của trẻ em thường là trong các gia đình nghèo.
Để ngăn chặn tai họa béo phì toàn cầu, báo cáo viên của LHQ đề nghị, trước hết phải đánh thuế trên những thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe, nhất là cho sức khỏe trẻ em và đưa ra những quy định chặt chẽ hơn về những thực phẩm giàu chất béo, đường và muối. Tiền thuế thu được sẽ được dùng tài trợ cho các chương trình giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh. Ông De Schutter cũng kêu gọi các Chính phủ ngăn chặn việc quảng cáo cho những thực phẩm có thể gây hại cho sức khỏe. Trong năm 2010, các công ty Mỹ đã chi 8,5 tỷ USD để quảng cáo các loại bánh kẹo và nước ngọt không cồn, trong khi họ chỉ đóng 44 triệu USD cho chương trình của Chính phủ khuyến khích cách ăn uống lành mạnh.
Ông cũng đề nghị nên thúc đẩy việc sản xuất lương thực ngay tại địa phương để người tiêu dùng có thể tiếp cận những thực phẩm lành mạnh, tươi sống và giàu chất dinh dưỡng. Báo cáo viên LHQ nhấn mạnh, ở Hoa Kỳ, do chế độ dinh dưỡng quá nhiều calori và do ăn uống không đúng cách, trẻ em nước này có thể sẽ có tuổi thọ thấp hơn bố mẹ của chúng. Theo ông, những chương trình được thực hiện ở Đan Mạch, Phần Lan và gần đây ở Pháp sẽ giúp giảm bớt việc tiêu thụ thức ăn, thức uống giàu chất béo, đường và muối.