Một nghiên cứu mới đây tại Đại hội Quốc tế về béo phì khẳng định: “Những nam thanh niên trẻ bị béo phì phải đối mặt với nguy cơ chết sớm gấp đôi người bình thường”.
Trong một nghiên cứu được dẫn đầu bởi Esther Zimmermann, tại Viện Y tế dự phòng, Bệnh viện Đại học Copenhagen, Đan Mạch, các nhà nghiên cứu đã tiến hành theo dõi hơn 5.000 quân nhân từ khi họ 20 tuổi cho đến khi họ 80 tuổi.
Cuộc khảo sát đã tiến hành so sánh tỷ lệ tử vong của 1.930 nam quân nhân béo phì với 3.601 nam quân nhân không béo phì trong quân ngũ. Chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) được đo tại các độ tuổi trung bình là 20, 35 và 46, nghiên cứu cũng theo dõi thời gian tử vong của các binh lính đó. Tổng cộng có 1.191 người đàn ông đã chết trong thời gian theo dõi lên đến 60 năm.
“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng ở bất kỳ độ tuổi nào, đối với một người đàn ông bị béo phì thì khả năng chết sớm cao gấp 2 lần một người không béo phì và những người béo phì ở tuổi 20 luôn có nguy cơ này cao hơn”, Zimmerman nhấn mạnh trong cuộc hội thảo.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng đối với mỗi chỉ số BMI trên ngưỡng thì một người béo phì có nguy cơ chết sớm cao hơn 10% so với một người có trọng lượng bình thường và nguy cơ này sẽ ảnh hưởng dai dẳng suốt cuộc đời người đó. Nghiên cứu cũng cho thấy người béo phì thường chết sớm hơn người không béo phì khoảng 8 năm.
“Nghiên cứu của chúng tôi làm sáng tỏ vấn đề bị béo phì ở tuổi 20 sẽ ảnh hưởng như thế nào đến suốt cuộc đời một người lớn. Đây là nghiên cứu đầu tiên với một thời gian theo dõi lâu dài và do đó đây là nghiên cứu đầu tiên có tính hiệu lực suốt đời“, Zimmermann nói.