Theo BS Trần Ngự Uyển, điều trị bệnh béo phì cho trẻ là một quá trình dài, đòi hỏi các bậc cha mẹ phải luôn song hành cùng con trẻ. Tuy nhiên, phần lớn các ông bố, bà mẹ chỉ quan tâm, khuyến khích con thay đổi chế độ ăn và cách sinh hoạt được vài tháng đầu. Do đó, đa số các cháu điều trị béo phì thường kiểm soát được cân nặng rất tốt trong mấy tháng đầu nhưng sau vài tháng thì lại tăng cân trở lại.
“Tốt nhất, các bậc cha mẹ nên định kỳ đưa trẻ đi khám dinh dưỡng, theo dõi chiều cao, cân nặng cho trẻ. Các bác sĩ dinh dưỡng sẽ “báo động” cho các bậc cha mẹ ngay về tình trạng sức khỏe con trẻ dựa trên những chỉ số thực tế về chiều cao, cân nặng”, BS Ngự Uyển chia sẻ.
Trường hợp trẻ nhỏ đã bị béo phì, các bác sĩ sẽ phỏng vấn cha mẹ về chế độ ăn hàng ngày và thiết lập thực đơn mới cho trẻ. Về nguyên tắc, trẻ phải hạn chế ăn đồ béo, đồ ngọt, không được ăn sau 7 giờ tối. Sau 7 giờ tối, có thể chỉ cho trẻ ăn thêm rau luộc, trái cây. Đặc biệt, cần duy trì chế độ luyện tập một môn thể thao cho trẻ nhằm tiêu hao năng lượng thường xuyên.
Cha mẹ lưu ý không nên để đồ ăn vặt trong nhà vì trẻ chưa có khả năng tự kiểm soát hành vi. Bên cạnh đó, mọi người trong gia đình luôn phải song hành cùng con, không nên thiết lập một chế độ ăn riêng cho trẻ vì khiến cháu có cảm giác bị cô lập. Việc cha mẹ quan tâm, chia sẻ trong quá trình điều trị sẽ dần dần giúp con trẻ thay đổi thói quen ăn uống, luyện tập và duy trì được cân nặng hợp lý.
Các chuyên gia dinh dưỡng cũng khuyến cáo rằng, trong điều trị thừa cân, béo phì ở trẻ em không được đặt ra vấn đề giảm cân, mà mục tiêu điều trị là giảm tốc độ tăng cân hay tránh tăng cân quá mức để đảm bảo sự phát triển cân đối chiều cao và cân nặng cho trẻ. Tuyệt đối không được bắt trẻ nhịn đói, vì nhịn đói mỗi ngày có thể giảm 0,5 kg nhưng lại gây thiếu hụt các chất dinh dưỡng, làm giảm khối lượng cơ và rối loạn chuyển hoá, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và khả năng học tập của trẻ.
Ngoài ra, không nên cấm hoặc tuyệt đối không cho trẻ béo phì ăn thức ăn chứa dầu, mỡ. Đối với trẻ nhỏ dưới 2 tuổi, vẫn có thể cho 1/2 – 1 thìa dầu hoặc mỡ vào 1 bát bột hoặc cháo của trẻ tùy theo mức độ béo phì. Đối với trẻ lớn, không nên cho ăn các loại thịt mỡ, da các loại gia cầm như gà, ngan, vịt. Khi nấu các món xào, rán, cho ít dầu, mỡ hơn đối với trẻ bình thường.
“Nhiều bà mẹ tưởng rằng các đơn thuốc mà các BS dinh dưỡng kê là để điều trị bệnh béo phì cho trẻ. Nhưng thực ra, đơn thuốc đó chỉ là hỗ trợ quá trình điều trị cho trẻ, nguyên tắc trong điều trị béo phì cho trẻ chính là điều chỉnh chế độ ăn và vận động hợp lý. Khi trẻ béo phì tới trung tâm dinh dưỡng, các bác sĩ có kê canxi để tăng chiều cao, cùng tảo – một loại đạm thực vật để cho trẻ uống trước khi ăn 10 – 15 phút để có cảm giác no mà giảm bớt lượng thức ăn…”, BS Ngự Uyển cho biết.
Để đề phòng tình trạng thừa cân, béo phì cho trẻ, cần chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ từ trong bào thai bằng cách chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ khi mang thai. Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý. Nếu trẻ phải nuôi nhân tạo bằng sữa bột trẻ em thì không nên sử dụng thêm đường hay tinh bột. Khẩu phần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm (chất bột đường + thịt, cá, đậu đỗ + rau quả + dầu mỡ) giúp trẻ tăng trưởng bình thường.
Khi trẻ lớn, ở tuổi vị thành niên vẫn cần duy trì chế độ ăn uống hợp lý, đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng để trẻ phát triển bình thường. Khuyến khích trẻ ăn rau quả, hạn chế sử dụng các thực phẩm ăn nhanh giàu năng lượng, nghèo vi chất dinh dưỡng và đồ uống nhiều đường. Tăng cường hoạt động thể lực với các loại hình và mức độ thích hợp theo lứa tuổi như thể dục nhịp điệu, đi bộ, chạy nhảy, bơi lội… Nên hạn chế xem ti vi, chơi điện tử hoặc thức quá khuya. Cần theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao nhằm phát hiện sớm thừa cân, béo phì để kịp thời điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt của trẻ.