Site icon Mỡ Máu .VN – Thông tin bệnh học, chia sẻ kiến thức sức khỏe

Hậu quả của béo phì

Béo phì là hiện tượng tích lũy mỡ không bình thường của một người đến mức ảnh hưởng tới thẩm mỹ và sức khỏe. Béo phì làm cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp…

Béo phì gây nhiều hậu quả không tốt

 Cùng với việc làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, béo phì còn là nguyên nhân gây một số bệnh nguy hiểm tới sức khỏe như: tăng huyết áp; đái tháo đường; tăng mỡ máu; bệnh mạch vành và thậm chí cả ung thư.

Nhiều hậu quả từ béo phì

Tổ chức Y tế Thế giới dùng chỉ số khối cơ thể (BMI) để đánh giá tình trạng dư thừa hay thiếu hụt mỡ của mỗi người. BMI = cân nặng chia cho bình phương chỉ số chiều cao. Chỉ số BMI bình thường giới hạn từ 20-25, trên 25 là thừa cân và trên 30 là béo phì. Chỉ số này dành cho người châu Âu và Mỹ. Người châu Á, BMI bình thường có giới hạn từ 18,5 – 23.

Béo phì làm cơ thể mất cân đối, nặng nề, chậm chạp… Cùng với việc làm mất đi vẻ đẹp tự nhiên, béo phì còn là nguyên nhân gây một số bệnh nguy hiểm tới sức khỏe như: tăng huyết áp; đái tháo đường; tăng mỡ máu; bệnh mạch vành và thậm chí ung thư.

Ngày nay đời sống vật chất nâng cao, tỉ lệ béo phì tăng nhanh cả ở các nước phát triển và các nước đang phát triển. Béo phì không chỉ ở tuổi trung niên mà còn xuất hiện ở cả trẻ em. Ở Việt Nam, theo một nghiên cứu thông báo cho thấy tỷ lệ béo phì ở Hà Nội là 4%; TP. Hồ Chí Minh 21,9%, chủ yếu tập trung ở độ tuổi từ 40 – 49. Hậu quả của béo phì là sức khỏe kém, năng suất lao động giảm và chất lượng cuộc sống không thoải mái.

Nhận diện thủ phạm

Nguyên nhân gây béo phì chủ yếu do mất cân đối giữa cung cấp năng lượng từ ăn uống với mức tiêu hao năng lượng qua lao động và các hoạt động sống. Các chất dinh dưỡng được cung cấp quá nhiều mà sự tiêu hao lại quá ít dẫn đến tình trạng tích lũy mỡ. Thói quen ăn nhiều thức ăn có chứa lượng đường cao. Hoàn cảnh làm việc tĩnh tại, ít vận động hoặc lười thể thao cũng là những nguyên nhân của béo phì. Thời gian xem tivi, đọc báo, làm việc bằng máy tính, sử dụng điện thoại để giao tiếp nhiều hơn thay vì vận động. Những người hoạt động thể lực thường ăn thức ăn giàu năng lượng, khi họ thay đổi lối sống, hoạt động giảm đi nhưng vẫn giữ thói quen ăn nhiều cho nên bị béo. Thói quen ăn vặt, ăn nhiều bữa trong ngày cũng làm tăng nguy cơ béo phì. Yếu tố di truyền có vai trò nhất định đối với những trẻ béo phì thường có cha mẹ béo. Ở nhiều nước, tỷ lệ người béo lên tới 30-40%, nhất là ở độ tuổi trung niên và chống béo phì trở thành một mục tiêu sức khoẻ cộng đồng. Ở Việt Nam, tỷ lệ người béo phì còn thấp nhưng có khuynh hướng gia tăng nhanh ở các thành phố lớn.

Khi nào cần phẫu thuật thẩm mỹ cho người béo phì?

Hiện nay có nhiều biện pháp để làm giảm béo phì, trên nguyên tắc là: chế độ ăn năng lượng thấp, cân đối, ít đường, đủ đạm, đủ vitamin, nhiều rau, hoa quả và tăng cường hoạt động thể lực. Nên tạo một thói quen ăn đủ chất, đúng bữa, không ăn vặt, hạn chế thức ăn ngọt, tập thể dục hoặc thể thao. Lười vận động, ngồi nhiều trước màn hình vi tính và tivi cũng là một yếu tố làm tăng béo phì, nhất là béo bụng.

Điều trị béo phì có nhiều biện pháp, tuần tự theo từng bước: chế độ ăn uống hợp lý, không dư thừa chất đường, không mất cân đối chất và vitamin. Chế độ rèn luyện thể lực đều đặn và đúng bài tập. Sử dụng chất giảm béo cần thận trọng kể cả với các thuốc giảm béo hay thực phẩm chức năng giảm béo. Khi cần sử dụng thuốc giảm béo hãy đến nghe tư vấn của bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng.

Khi đã thực hiện đủ các biện pháp ăn kiêng đúng phương pháp, tập luyện tích cực mà vẫn béo thì cần đến bác sĩ phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Các thầy thuốc sẽ lựa chọn một giải pháp phù hợp với từng bệnh nhân để điều trị giảm béo. Có thể chỉ cần hút mỡ cục bộ hoặc phẫu thuật tạo hình thành bụng. Kỹ thuật này nhằm làm cho vòng hai thon thả hơn, bớt nặng nề hơn và mặc các trang phục thoải mái hơn. Nhưng không phải nơi nào cũng làm được việc này một cách khoa học và an toàn. Những bệnh viện có Khoa phẫu thuật tạo hình và có các bác sĩ được đào tạo đầy đủ về chuyên khoa phẫu thuật tạo hình mới được phép phẫu thuật và phẫu thuật an toàn.          

Mỗi chúng ta có thể tự mình phòng chống quá cân, rèn luyện giảm béo. Dưới đây là một số lời khuyên:

– Đánh tan những cơn đói vặt bằng một ly nước trà loãng.

– Không nên mua nhiều thực phẩm để tránh nấu quá tay.

– Bỏ tất cả những loại bánh ngọt, bơ, mứt, nước ngọt trong tủ lạnh, thay vào đó là những loại trái cây có khả năng giảm mập như cam, quýt, bưởi.

– Đừng cố “ngốn” hết thức ăn thừa mỗi khi dẹp mâm cơm.

– Chọn bát ăn nhỏ.

– Không bao giờ để thức ăn vặt trước mặt trong khi bạn đang ngồi “buôn chuyện” với bạn bè, vì mặc dù miệng nói nhưng tay bạn vẫn hoạt động.

– Đi dự tiệc không ăn quá no.

– Luôn kết thúc bữa tối trước 7 giờ, không bao giờ tính đến kế hoạch ăn khuya.

– Tranh thủ đi bộ và hoạt động thân thể bất cứ khi nào có thể, đừng lệ thuộc vào các phương tiện hiện đại.

– Tắm nước ấm làm da toát mồ hôi, bài tiết chất cặn bã. Tắm biển hoặc tắm nước pha chút muối cũng rất tốt.

– Trà giảm cân chỉ phát huy hiệu quả tốt nhất khi đi kèm với thể dục và ăn uống điều độ.

– Không uống trà giảm cân với thuốc giảm béo trong cùng một thời điểm.

 

ThS. Nguyễn Roãn Tuất

 

(Khoa Phẫu thuật tạo hình – Bệnh viện Đại học y Hà Nội)

 

Đánh giá bài viết
(Visited 37 times, 1 visits today)