Site icon Mỡ Máu .VN – Thông tin bệnh học, chia sẻ kiến thức sức khỏe

Sao người gầy cũng bị mỡ máu?

Máu nhiễm mỡ giờ không chỉ là bệnh của người thừa cân, căn bệnh thời đại này đang lộng hành cả ở những người trẻ tuổi, gầy ốm. Bác sĩ Lê Hoàng Linh, chuyên khoa nội tổng quát Bệnh viện An Sinh sẽ giải thích về vấn đề này.

Mỡ trong máu cao xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu điều độ phải không thưa bác sĩ?

Thật ra, trong máu luôn có mỡ, nhưng khi chúng vượt quá giới hạn sẽ dẫn đến tình trạng rối loạn lipid máu. Mỡ trong máu gồm cholesterol và acid béo tự do. 60 – 70% lipid máu là cholesterol nên được chú ý hơn cả. Nếu kết quả xét nghiệm cholesterol toàn phần của bạn nhỏ hơn 180mg/dl là bình thường, nếu lớn hơn 200mg/dl là cao, có khả năng máu nhiễm mỡ.

Đa số các bệnh nhân máu nhiễm mỡ là do ăn uống không điều độ, ăn nhiều đạm, mỡ, tinh bột, đường và lười vận động. Ngay cả người trẻ tuổi nếu có chế độ ăn uống phản khoa học cũng sẽ sớm mắc chứng mỡ trong máu. Nói đây là căn bệnh hiện đại vì nó liên quan đến tình trạng căng thẳng, stress. Khi bị stress quá mức, thần kinh sẽ có phản ứng ngược lại, gây ra rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể.

Nghĩa là không chỉ người thừa cân mới bị bệnh ghé thăm?

Đúng vậy, người ít cân cũng có thể nhiễm bệnh này do cơ thể chuyển hóa lượng mỡ kém, gây ra rối loạn chuyển hóa mỡ. Người gầy, suy dinh dưỡng thường thiếu một số chất cần thiết để thanh lọc bớt mỡ, cùng với lối sống thiếu vận động sẽ khiến cơ thể khó giải phóng lượng mỡ thừa. Những người ăn ít hay ăn kiêng quá mức sẽ khiến lượng đường trong máu thấp, cơ thể tự điều chỉnh tăng hấp thu phân giải mỡ thành năng lượng. Quá trình này khiến axit béo đi vào trong máu nhiều, vượt quá mức cho phép, khiến việc tích trữ mỡ ở gan, tim, tụy, máu tăng lên.

Làm thế nào để biết được mình bị mỡ trong máu cao thưa bác sĩ?

Rối loạn lipid máu thường không có biểu hiện rõ ràng, ngoài các triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, hay xây xẩm mặt mày… người bệnh chỉ biết có bệnh khi khám sức khỏe, xét nghiệm máu, hoặc gặp các bệnh về tim mạch như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Nếu không điều trị bệnh sớm, bệnh sẽ gây xơ vữa động mạch, thu hẹp mạch máu, dẫn đến đột quỵ, liệt nửa người, co thắt tim…

Vậy khi mắc bệnh, người bệnh nên làm gì?

Hãy thay đổi chế độ ăn uống hợp lý, kiêng mỡ động vật, sử dụng dầu thực vật, dùng ít đường. Thực đơn nhiều rau xanh, giá đậu, rau cải, ít tinh bột và giàu trái cây như bưởi, cam, cà chua, thơm, dâu đều có tác dụng làm giảm lượng mỡ xấu và tăng quá trình chuyển hóa có lợi cholesterol. Nên kết nạp nguồn đạm từ cá tươi như cá cơm, cá trích, cá hồi, cá basa, cá thu… Tỏi tươi cũng có khả năng giảm mỡ, chống xơ vữa các mạch máu, nên ăn tỏi sống mỗi ngày. Có thể uống bổ sung omega-3 hay viên nén vitamin E, thuốc hạ lipid trong máu (cần có kê toa rõ ràng của bác sĩ). Bên cạnh đó, cần siêng vận động nhẹ như chạy bộ, đi bộ, chơi cầu lông từ 30 – 60 phút/ngày. Tất cả những điều này tốt nhất bạn nên thực hiện ngay từ khi chưa bị bệnh để phòng tránh, và nên khám sức khỏe tổng quát sáu tháng/lần để phát hiện mầm bệnh.

Xin cám ơn bác sĩ!

Đánh giá bài viết
(Visited 42 times, 1 visits today)