Site icon Mỡ Máu .VN – Thông tin bệnh học, chia sẻ kiến thức sức khỏe

Thiếu gen là một trong những nguyên nhân gây béo phì

Trong nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu căn bệnh béo phì đã cố gắng tìm hiểu liệu nguyên nhân gây béo phì ở trẻ em là do môi trường sống hay do yếu tố di truyền. 

Béo phì có thể do thiếu gen

Mới đây, các nhà nghiên cứu Anh phát hiện thấy những DNA bị thiếu hụt có lẽ là một phần nguyên nhân gây ra căn bệnh này. 

Trong bài báo đăng trên tạp chí Nature ngày 7/12/2009, các nhà khoa học tranh luận rằng phát hiện của họ sẽ làm thay đổi thái độ của xã hội với những đứa trẻ tròn trịa. Một số trẻ em tham gia nghiên cứu trước đây đã được đặt trong danh sách theo dõi của các tổ chức dịch vụ xã hội bởi người ta cho rằng bố mẹ chúng đã cố tình cho chúng ăn quá nhiều.

Vì vậy, chính quyền cần phải xem xét lại vấn đề này. Cho đến nay, các nhà nghiên cứu chưa xác định được bao nhiêu phần trăm yếu tố môi trường và yếu tố di truyền gây ra bệnh béo phì ở trẻ trong thời thơ ấu.

Theo Tiến sĩ Sadaf Farooqi, nhà nghiên cứu tại Học viện khoa học nghiên cứu quá trình chuyển hóa thuộc Đại học Cambrigde, khi nói đến căn bệnh béo phì, các nhà nghiên cứu cho rằng yếu tố môi trường rất quan trọng và là nguyên nhân gây ra sự gia tăng số trẻ em béo phì trong những năm gần đây. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng cho thấy gen đóng vai trò quan trọng trong việc xác định trọng lượng của con người.

Tiến sĩ Sadaf Farooqi cho biết thêm, trong bài báo, nhóm nghiên cứu chỉ ra hiện tượng biến thể gen bản sao (copy number variation) – đây là hiện tượng con người có thể mất một số gen trong chuỗi DNA gây ra chứng béo phì.

Hiện tượng mất gen là một biến thể di truyền phổ biến. Thông thường, một đứa trẻ thường có hai bản sao cho mỗi gen, một bản sao từ bố và một bản sao từ mẹ. Tuy nhiên, đôi khi số DNA nhiều hơn hoặc ít hơn số lượng thông thường. Số gen thừa hoặc thiếu này được gọi là biến thể số lượng bản sao. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu biến thể số lượng bản sao trong nhiễm sắc thể của 300 đứa trẻ mắc chứng béo phì nặng. Tiến sĩ Farooqi cho biết nhóm nghiên cứu đã tìm thấy khá nhiều biến thể số lượng bản sao ở những trẻ tham gia nghiên cứu.

Tuy nhiên loại gen mà nhóm nghiên cứu đang tập trung tìm hiểu liên quan tới nhiễm sắc thể 16 và ở nhiễm sắc thể này có hiện tượng mất gen. Ở nhiễm sắc thể 16 có 9 gen bị thiếu hụt, trong đó gen SH2B1 đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Nhóm nghiên cứu biết rằng gen SH2B1 liên quan đến tín hiệu gen Leptin trong não – loại gen đóng vai trò quan trọng trong kiểm soát trọng lượng cơ thể.

Về khía cạnh nào đó, phát hiện của nhóm nghiên cứu chỉ có tác dụng cung cấp thêm những thông tin chưa biết về các yếu tố gây ra chứng béo phì.

Tiến sĩ Farooqi cho biết đây cũng là lời nhắc nhở rằng xã hội không nên chỉ trích những đứa trẻ béo phì và cha mẹ chúng. Trước đây, các tổ chức dịch vụ xã hội ở Anh chỉ trích các bậc cha mẹ đã gây ra chứng béo phì cho trẻ em. Sau nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu có thể chứng minh rằng chứng béo phì là do thiếu hụt một số gen. Bằng chứng này cho phép nhóm nghiên cứu khuyến nghị xóa bỏ hình thức đăng ký những trẻ có nguy cơ mắc chứng béo phì cao hoặc thay đổi cách can thiệp của các tổ chức xã hội với trẻ béo phì qua việc chứng minh rằng trẻ có vấn đề về sức khỏe.

Tiến sĩ Farooqi cho biết cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu để giúp các bác sĩ xác định sớm những trẻ có nguy cơ béo phì và những phát hiện này sẽ tiến tới việc phát minh ra một loại thuốc chống béo phì hiệu quả trong tương lai không xa.

 

Đánh giá bài viết
(Visited 90 times, 1 visits today)