Nhiều bệnh nhân bị đái tháo đường (ĐTĐ) týp 2 do tuân thủ không đầy đủ chỉ định của thầy thuốc hoặc phát hiện bệnh muộn đã xuất hiện nhiều biến chứng tim mạch nguy hiểm.
Trong số đó nhiều trường hợp mắc đồng thời rối loạn lipid máu trầm trọng. Việc kiểm soát hiệu quả bệnh cho các bệnh nhân này không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào các thuốc mà còn phụ thuộc rất nhiều vào chế độ ăn và sinh hoạt của người bệnh.
Thay đổi quan điểm về kiểm soát đường huyết
Phương thức điều trị kinh điển ĐTĐ týp 2 là kiểm soát đường huyết “theo từng bước”. Bước đầu tiên là thay đổi lối sống, sau đó là điều trị bằng một thuốc uống rồi tăng dần đến liều tối đa theo khuyến cáo trước khi chuyển sang điều trị phối hợp thuốc. Tuy nhiên, phương pháp điều trị bảo thủ này thường gây ra sự chậm trễ không thể chấp nhận được cả về sự đạt được và duy trì đường huyết mục tiêu. Phương thức này có thể làm kéo dài thời gian bệnh nhân bị tăng đường huyết trước khi được chuyển sang bước thứ hai. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chỉ với một thời gian ngắn bị tăng đường huyết cũng sẽ làm tăng nguy cơ bị các biến chứng vi mạch và biến chứng mạch máu lớn.
Khi sử dụng một thuốc điều trị và tăng dần tới liều tối đa theo khuyến cáo có thể có hiệu quả, nhưng sự tăng dần liều cũng có thể làm tăng tỷ lệ bị các tác dụng phụ như hạ đường huyết và các tác dụng phụ trên hệ thống tiêu hoá mà không mang lại hiệu quả gì tốt hơn trong việc kiểm soát đường huyết. Ngược lại, sự phối hợp sớm các thuốc với liều thấp có thể cải thiện việc kiểm soát đường huyết mà không làm tăng các tác dụng phụ.
Bên cạnh đó có một lý do làm cho việc điều trị của bệnh nhân không đạt được mục tiêu điều trị (HbA1C < 6,5%) là sự thiếu hiểu biết của các bác sĩ về hiệu quả của một số thuốc điều trị ĐTĐ. Khi lựa chọn các thuốc có hiệu quả cao trong điều trị ĐTĐ týp 2, những cân nhắc đặc biệt cần tập trung vào sự nhạy cảm của bệnh nhân với các tác dụng phụ.
Sự thiếu tuân thủ triệt để trong điều trị của người bệnh là rào cản lớn nhất để đạt được việc kiểm soát đường huyết hiệu quả. Sự tuân thủ việc uống thuốc điều trị ĐTĐ thường kém hơn những liệu pháp điều trị khác (sử dụng thuốc giảm lipid máu). Điều đó có thể liên quan đến các tác dụng phụ của thuốc điều trị ĐTĐ đường uống hoặc thiếu sự tin tưởng vào hiệu quả tức thời cũng như lâu dài của các thuốc này. Các yếu tố khác bao gồm thiếu sự hiểu biết về mức độ trầm trọng của bệnh ĐTĐ týp 2 và thời gian tư vấn của các bác sĩ hạn chế đã làm người bệnh không nhận thức hết mức độ trầm trọng của bệnh cũng như tầm quan trọng của việc tuân thủ chế độ điều trị.
Rối loạn lipid máu
Liệu pháp thay đổi lối sống (qua chế độ ăn kiêng và hoạt động thể lực) là biện pháp quan trọng làm giảm nguy cơ tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ týp 2. Liệu pháp thay đổi lối sống bao gồm: Cai thuốc lá; duy trì một trọng lượng cơ thể tối ưu và kiểm soát chặt chẽ đường máu, nhằm làm giảm lượng lipid máu và giảm huyết áp; tăng hoạt động thể lực sẽ làm cải thiện tình trạng tim mạch và làm cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch như rối loạn lipid máu, béo phì và tăng huyết áp.
Kiểm soát huyết áp
Tăng huyết áp (THA) rất hay gặp ở bệnh nhân ĐTĐ. THA làm tăng nguy cơ bị các biến chứng vi mạch (bệnh võng mạc và bệnh thận) cũng như các biến chứng tim mạch (đột quỵ, bệnh động mạch vành và mạch máu ngoại biên). Mục tiêu điều trị nhằm đạt trị số huyết áp dưới 130/80 mmHg. Nguyên tắc sử dụng thuốc hạ áp là nên bắt đầu với một thuốc liều thấp hoặc phối hợp các nhóm thuốc với liều thấp để vừa đạt được hiệu quả điều trị vừa làm giảm tác dụng phụ. Có 5 nhóm thuốc thông dụng điều trị tăng huyết áp cho bệnh nhân ĐTĐ bao gồm thuốc lợi tiểu, chẹn bêta giao cảm, chẹn kênh canxi, thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II. Đây là các thuốc đã được chứng minh là có tác dụng phòng ngừa các biến chứng tim mạch ở các bệnh nhân ĐTĐ.
Kiểm tra định kỳ lipid máu
Các bệnh nhân ĐTĐ cần được kiểm tra lipid máu, bao gồm LDL-C, triglycerid và HDL-C. Nên kiểm tra định kỳ lượng lipid máu 6-12 tháng/lần. Mục tiêu điều trị rối loạn lipid máu là: LDL-C dưới 2,6 mmol/l (100 mg/dl); triglycerid dưới 2,3 mmol/l (200 mg/dl); HDL- C nhiều hơn hoặc bằng 1,0 mmol/l (40 mg/dl).
Gần đây, một số nghiên cứu lớn cho thấy các bệnh nhân có nguy cơ rất cao (bệnh nhân ĐTĐ có bệnh ĐMV), nồng độ LDL-C tối ưu cần đạt được là dưới 2,1 mmol/l (80 mg/dl).
Phòng ngừa tình trạng tăng đông máu
Tình trạng tăng đông máu ở bệnh nhân ĐTĐ có thể ảnh hưởng đến bệnh lý tim mạch. Điều trị bằng aspirin có lợi trong phòng ngừa tiên phát và thứ phát cho các bệnh nhân ĐTĐ. Liều điều trị nên lựa chọn là liều có hiệu quả cao nhất với tác dụng phụ ít nhất. Các bệnh nhân trên 45 tuổi hay những người có kèm theo THA, rối loạn lipid máu hoặc bệnh tim mạch (bệnh ĐMV, đột qụy hay bệnh mạch máu ngoại biên) nên được điều trị bằng aspirin 75-100 mg/ngày. Nếu bệnh nhân bị dị ứng với aspirin, các thuốc ức chế ngưng tập tiểu cầu khác như clopidogrel 75 mg/ngày có thể được dùng thay thế ở các bệnh nhân có nguy cơ cao.
Trả lời