Menu

Giảm béo phì, không chỉ phẫu thuật là xong

Nhiều bệnh viện đang triển khai phương pháp phẫu thuật điều trị béo phì. Thế nhưng điều trị béo phì bằng phẫu thuật có bao nhiêu phương pháp, hiệu quả thế nào… không phải bệnh nhân nào cũng biết.

phau-thuat-beo-phi

Tại hội thảo “Nội soi điều trị béo phì” do Hội Phẫu thuật tiêu hóa TP.HCM và Bệnh viện Bình Dân phối hợp tổ chức hôm  29/2, cho thấy vẫn còn bệnh nhân béo phì tưởng rằng chỉ cần được phẫu thuật là sẽ giảm béo nhanh chóng mà không cần đến các biện pháp khác và sự nỗ lực, kiên trì của chính bệnh nhân.

Béo phì gây bệnh

Giới thiệu tổng quan về điều trị béo phì bệnh lý, GS.TS Lê Quang Nghĩa – chủ tịch Hội Phẫu thuật tiêu hóa TP.HCM – cho biết người có chỉ số BMI (BMI = trọng lượng/bình phương chiều cao) từ 30-39,9 được xếp là béo phì. Khi chỉ số BMI lớn hơn 40 sẽ được xếp vào nhóm béo phì bệnh lý. Béo phì gây ảnh hưởng trên mọi nội tạng của cơ thể và gây ra nhiều bệnh kèm theo ở tim mạch; gây bệnh ở các cơ quan niệu, sản, hô hấp, nội tiết, mạch (són tiểu do stress, vô sinh, sẩy thai, nghẹt thở khi ngủ, tiểu đường type 2, thuyên tắc tĩnh mạch sâu…); gây bệnh ở khớp, tiêu hóa, thần kinh, ung thư…

Đặc biệt, người càng béo phì thì bệnh lý kèm theo càng nặng. Thực tế những người béo phì bệnh lý thường bị tử vong sớm. Nếu chỉ số BMI của người béo phì lớn hơn 45 thì tuổi thọ của họ bị giảm 22% so với người bình thường.

Theo GS Lê Quang Nghĩa, hiện người béo phì có thể được điều trị bằng phương pháp nội khoa (điều trị không mổ) bằng cách ăn kiêng, vận động thể lực, thuốc giảm cân. Điều trị ngoại khoa (phẫu thuật bằng phương pháp nội soi) dựa vào cơ chế giới hạn lượng thức ăn, giảm hấp thu thức ăn hoặc phối hợp cả hai. Ngoài hiệu quả giảm cân, bệnh nhân béo phì sau phẫu thuật cũng giảm hẳn các bệnh kèm theo.

Cụ thể, tiểu đường hết hẳn trên bệnh nhân giảm 77% trọng lượng dư thừa, rối loạn mỡ máu trên bệnh nhân giảm 70% trọng lượng dư thừa, cao huyết áp trên bệnh nhân giảm 62% trọng lượng dư thừa và nghẹt thở khi ngủ hết hẳn trên bệnh nhân giảm 86% trọng lượng dư thừa.

Chỉ định đúng, tư vấn kỹ

Báo cáo kinh nghiệm phẫu thuật đặt bóng dạ dày (có hai loại là bóng khí và bóng hơi) trong điều trị béo phì, thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Thành – Bệnh viện Đa khoa Triều An, TP.HCM – khẳng định đặt bóng dạ dày là phương pháp điều trị hiệu quả có chỉ định cho bệnh nhân béo phì kèm theo yếu tố nguy cơ liên quan đến tình trạng béo phì (đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm khớp…) và bị thất bại với các phương pháp giảm cân trước đây.

Tuy nhiên, phương pháp này chống chỉ định cho người dưới 18 tuổi và trên 55 tuổi (vì hiệu quả thành công thấp do bệnh nhân ít tuân thủ chỉ định, hướng dẫn sau phẫu thuật của bác sĩ), phẫu thuật với mục đích thẩm mỹ, bệnh nhân bị loét thực quản, dạ dày, tá tràng …

Theo bác sĩ Thành, hiện nhiều bệnh nhân béo phì cứ tưởng đặt bóng vô dạ dày là sẽ làm giảm cân ngay nên nhiều người đã không tuân thủ chỉ định của bác sĩ (không tập thể dục, vận động theo hướng dẫn của bác sĩ, không tái khám đúng hẹn…). Vì vậy, trước một bệnh nhân béo phì có chỉ định phẫu thuật, nhân viên y tế phải nắm rõ các thông tin về bệnh nhân từ tên, tuổi, giới, địa chỉ, điện thoại, thói quen ăn uống, tính chất công việc… và đặc biệt phải tư vấn kỹ cho bệnh nhân biết phương pháp đặt bóng dạ dày chỉ là hỗ trợ điều trị béo phì.

Sự có mặt của bóng dạ dày là để hạn chế lượng thức ăn tiêu thụ. Do đó bệnh nhân cần kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập luyện thể dục, thay đổi lối sống, tái khám và dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ. Sau sáu tháng đặt bóng, bệnh nhân sẽ đến bệnh viện lấy bóng ra.

TS.BS Đặng Tâm, Bệnh viện đa khoa Triều An, cho biết thêm các phương pháp phẫu thuật dựa vào cơ chế giới hạn lượng thức ăn có phương pháp đặt bóng lòng dạ dày, đặt đai thắt dạ dày, tạo hình dạ dày đai đứng, cắt vạt dạ dày để làm nhỏ dạ dày. Còn các phương pháp giảm hấp thu có chuyển dòng mật – tụy, nối tắt hỗng-hồi tràng… Phương pháp nào cũng có ưu điểm và nhược điểm riêng và số ký trọng lượng cơ thể giảm được trong vòng một năm đạt được 30-53kg (tùy theo phương pháp).

Có thể bị biến chứng

Theo TS Đặng Tâm, biến chứng sau phẫu thuật điều trị béo phì tùy theo phương pháp áp dụng và tùy cơ địa bệnh nhân (chỉ số BMI, bệnh đi kèm) có thể xảy ra. Cụ thể, đặt đai thắt dạ dày có tỉ lệ biến chứng 7%, tạo hình dạ dày đai đứng 18%, nối tắt dạ dày 17%, chuyển dòng mật tụy 38%.

Tỉ lệ tử vong khoảng 0,2-1% tùy loại phẫu thuật. Những biến chứng phẫu thuật điều trị béo phì có thể gặp là biến chứng miệng nối, chảy máu tiêu hóa, suy dinh dưỡng, biến chứng vết thương, tắc ruột, thoát vị nội, biến chứng tim, phổi, biến chứng của dụng cụ đặt. Với phương pháp đặt đai thắt dạ dày có thể gặp biến chứng lệch vị trí, chảy máu, đai xuyên lòng dạ dày, loét, rò dạ dày, hẹp – tắc đường xuống dạ dày, giãn túi dạ dày, giãn thực quản…

Còn với phương pháp đặt bóng dạ dày, biến chứng có thể gặp là nôn ói (90% tuần đầu, 20% hơn ba tuần), giảm kali, cơ thể mất nước (5%), nóng rát thượng vị (15%), có thể viêm thực quản hoặc viêm loét dạ dày, đau bụng kèm tiêu chảy, 2-5% bóng tự đào thải, có khi tắc ruột. Về phương pháp phẫu thuật đặt đai thắt dạ dày điều trị béo phì, theo TS Tâm, về lý thuyết đai thắt dạ dày không gây phản ứng với cơ thể.

Đánh giá bài viết
(Visited 131 times, 1 visits today)

No comments

Trả lời

TINH LÁ SEN LÀ GÌ?