Béo phì là tình trạng dư thừa khối lượng mô mỡ. Bệnh có thể dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như: nhồi máu cơ tim; đột quỵ; suy tim; ngừng thở tắc nghẽn khi ngủ; sỏi mật; ung thư bàng quang, tử cung, buồng trứng; viêm xương khớp…
Bệnh béo phì đang đe dọa nhân loại
Khoảng vài chục năm nay, chứng béo phì đã trở thành một vấn đề y tế nổi cộm, ảnh hưởng đến 500 triệu người trên trái đất. Theo Tổ chức Y tế thế giới, vào năm 2015, dự kiến có 2,3 tỷ người thừa cân và hơn 700 triệu người béo phì. Béo phì gây nhiều hậu quả: Tăng insulin máu và đề kháng insulin vì có đến 80% bệnh nhân tiểu đường typ 2 bị béo phì. Rối loạn sinh sản thường đi kèm với béo phì ở cả nam và nữ. Nam giới có cân nặng trên 160% trọng lượng lý tưởng, hormon sinh dục nam (testosteron) giảm, hormon sinh dục nữ (estrogen) tăng. Nữ béo phì thường bị rối loạn kinh nguyệt, không rụng trứng và cường hormon sinh dục nam (androgen). Nghiên cứu của Framingham cho thấy béo phì làm tăng bệnh tim mạch: suy mạch vành, đột quỵ, suy tim sung huyết, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp. Béo phì làm tăng bài tiết cholesterol trong mật, gây sỏi mật. Nam béo phì có tỷ lệ tử vong cao hơn do ung thư đại tràng, trực tràng và tuyến tiền liệt. Nữ béo phì có tỷ lệ tử vong cao hơn do ung thư bàng quang, ống dẫn mật, vú, nội mạc tử cung, cổ tử cung và buồng trứng. Béo phì thường đi kèm với viêm xương khớp…
Các phương pháp điều trị hiện nay gồm: cải thiện chế độ ăn để giảm cân. Vận động tăng tiêu hao năng lượng để giảm cân. Thuốc điều trị thường rất ít hiệu nghiệm vì khi dùng thuốc thì bệnh nhân giảm cân, nhưng khi ngừng thuốc lại tăng cân do ăn bù. Phẫu thuật cắt bớt dạ dày để ăn ít đi. Tuy nhiên vẫn chưa có phương pháp điều trị nào hiệu quả. Vì vậy việc nghiên cứu các phương pháp điều trị mới vẫn đang phát triển, trong đó có năm phương pháp mới rất hứa hẹn đạt kết quả tốt:
Triển vọng của các phương pháp mới chữa béo phì
Một là, nhằm vào não bộ: ở người bình thường khi ăn, ruột tiết các peptid có tác dụng hoạt hóa trung tâm no của não bộ, giúp ngừng ăn. Nhưng ở người béo phì, những peptid này được sản xuất ít quá nên họ ăn rất nhiều mà không thấy no. Từ đó người ta nảy ra ý tưởng sản xuất loại “thuốc peptides” dùng cho người béo phì để biết no mà ngừng ăn.
Hai là, kích thích dây thần kinh phế vị: dùng một thiết bị tạo xung điện tác động vào dây thần kinh phế vị – là dây thần kinh chi phối cảm giác đói để làm giảm cảm giác thèm ăn.
Ba là, biến đổi vi khuẩn chí ruột: giáo sư Jeffrey Gordon thuộc Đại học Washington nghiên cứu lấy vi khuẩn chí của con chuột béo phì đưa vào ruột của một con chuột khác không có vi khuẩn chí trong ruột (vô khuẩn), thấy rằng chú chuột này lúc đầu mảnh dẻ, sau trở nên béo phì. Từ đó ông cho rằng bệnh béo phì như là một bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn chí trong ruột gây nên; trong một gia đình có người béo phì thì dễ làm lây khuẩn chí ruột sang những người khác. Như vậy có thể biến đổi vi khuẩn chí ruột để chữa bệnh béo phì.
Bốn là, biến hóa mô mỡ: các công trình nghiên cứu mới đây ở Hoa Kỳ, Thụy Điển và Hà Lan kết luận rằng ở tuổi trưởng thành, cơ thể người bảo tồn một lượng khá lớn mô mỡ nâu (Tissu adipeux brun). Mô mỡ nâu luôn hoạt động, nó được hoạt hóa mạnh khi cơ thể ở nhiệt độ mát. Vì vậy, các nhà khoa học nảy ra ý tưởng tái hoạt hóa mô mỡ nâu ở những người béo phì để giúp làm tiêu tan mỡ của họ. Nếu mô mỡ nâu hoạt động liên tục, nó có thể tiêu hao mỡ. Hướng nghiên cứu là tạo cho các tế bào mỡ trắng những tính chất của các tế bào mỡ nâu đang được các nhà khoa học hướng đến.
Năm là, thích ứng chế độ ăn uống theo profil di truyền: người ta thấy rằng khi ăn cùng một loại thức ăn, nhưng có người béo phì còn những người khác thì không. Như vậy là tùy theo gen di truyền của mỗi người mà có sự đáp ứng đối với một chế độ ăn uống nhất định.
Nghiên cứu khác quan tâm đến các gen của sự mảnh khảnh. Itzik Harosh đã nhận xét rằng khoảng 1/3 bộ gen của con người có liên hệ đến bệnh béo phì nên rất khó tìm được gen đặc hiệu để phát triển một phương pháp điều trị. Ngược lại những gen có can dự đến tạng mảnh khảnh lại rất ít. Theo hướng này, nhóm nghiên cứu của Itzik Harosh phát hiện một gen có can dự đồng thời trong sự hấp thụ các protein và các chất mỡ mã hóa cho một men enteropeptidase, có nhiệm vụ hoạt hóa những men khác của sự tiêu hóa. Từ đây người ta đã tìm ra một thứ thuốc có khả năng phong bế một phần enteropeptidase, để làm giảm sự hấp thụ thức ăn. Thuốc rất có hiệu quả và đang trong giai đoạn thử nghiệm.
Như vậy, với các hướng nghiên cứu mới trên đây hy vọng một thời gian không xa con người sẽ chữa khỏi được bệnh béo phì.
(Nguồn ThS. Phạm Thanh Sơn – suckhoedoisong.vn)
.
Trả lời