Nghiên cứu đăng trên Tạp chí ‘Nature’ số ra ngày 21/10/2010 cho biết những chuột cái con sinh ra từ những con chuột đực béo phì cũng bị suy giảm chức năng chuyển hóa glucose giống như chuột bố.
Giáo sư Margaret Morris, làm việc tại Khoa Ứng dụng Khoa học trong Y học trực thuộc Đại học New South Wales, hiện là người hướng dẫn luận án nghiên cứu tiến sĩ của sinh viên Sheau-Fang Ng.
Theo bà Morris, những nghiên cứu trước đây đã tập trung tìm hiểu những ảnh hưởng di truyền từ các bà mẹ sang con nhưng những nguy cơ di truyền từ người cha chưa được nghiên cứu.
Bà Morris cho biết có một số bằng chứng cho thấy những ông bố bà mẹ bị bệnh béo phì sẽ sinh những đứa con với nguy cơ mắc bệnh này cao hơn. “Ở các bà mẹ, rõ ràng cơ chế này có thể xảy ra trong tử cung khi mang thai và sinh nở. Những gì xảy ra trong thời gian phát triển của bào thai có thể tạo ra những tác động tới sức khỏe của đứa trẻ sau này,” bà Morris nhận xét. “Tuy nhiên, hiện tượng di truyền từ cha có lẽ là vấn đề chưa được chú ý.”
Trong nghiên cứu trên, trong khoảng 10 tuần trước khi giao phối, chuột đực được cho ăn theo chế độ ăn giàu chất béo có kiểm soát. Chế độ ăn này dễ gây bệnh tiểu đường và béo phì. “Khi giao phối, những con chuột đực này đã bị béo phì với lượng insulin tăng cao và suy giảm khả năng hấp thụ được glucose: nói cách khác, đó chính là bệnh tiểu đường,” bà Morris cho biết.
Theo bà Morris, kết quả thí nghiệm cho thấy chuột cái con có những dấu hiệu bất thường trong gen ở các tế bào tuyến tụy, tế bào thực hiện chức năng sản sinh insulin. “Kết quả nghiên cứu cho thấy chuột cái con đã có những biến đổi ở tuyến tụy liên quan đến hiện tượng suy giảm khả năng hấp thụ glucose. Khi được xét nghiệm, chuột cái con có những biểu hiện hấp thụ glucose kém hơn.”
Bà Morris cho biết hậu quả này một phần có thể do mang tính di truyền, nhưng có lẽ nó mang tính sinh học nhiều hơn. Bà cho biết: “Mọi người thường nghĩ rằng béo phí là do ảnh hưởng của môi trường chứ không phải do di truyền. Do vậy, chúng tôi chỉ chú ý đến tình trạng béo phì và tiểu đường ở người cha. Những bệnh này đã bị truyền sang con cái.
Triệu chứng biểu hiện từ nhỏ
Bà Morris cho biết điều đáng ngạc nhiên trong phát hiện này là chuột cái con đã có những biểu hiện suy giảm chức năng hấp thụ glucose từ khi còn rất nhỏ thay cho việc ăn một chế độ ăn thông thường.
“Chúng tôi nhận thấy chuột con đã suy giảm khả năng hấp thụ glucose ngay từ tuần tuổi thứ 6. Tình trạng này trở nên xấu hơn trong giai đoạn tới trước 12 tuần tuổi, giữa thời kỳ dậy thì và tuổi trưởng thành,” bà Morris nói. “Hiện nay, số lượng người mắc đại dịch béo phì ngày càng gia tăng và bệnh tiểu đường loại hai xuất hiện ở lứa tuổi ngày càng thấp hơn, thậm chí ở lứa tuổi thiếu niên. Đây là một phần lý do khiến chúng tôi thực hiện nghiên cứu này.”
Theo bà Morris, tác động bất lợi từ chế độ ăn quá nhiều của các bà mẹ mắc bệnh béo phì tới con cái đã được xác định. Tuy nhiên, ảnh hưởng di truyền từ người cha bị thừa cân vẫn chưa được chứng minh. Mặc dù bị di truyền gen suy giảm khả năng hấp thụ glucose, chuột con không mắc chứng béo phì. Bà Morris cho biết giai đoạn tiếp theo trong nghiên cứu sẽ tìm hiểu vấn đề này. “Một câu hỏi đặt ra là liệu bệnh béo phì có phát triển khi chuột con lớn lên hay không. Đó chính là mục tiêu chính của giai đoạn nghiên cứu tiếp theo,” bà Morris nói.
Bước nghiên cứu tiếp theo sẽ mở rộng quy mô để thu được các dữ liệu hữu ích hơn cho các báo cáo phân tích thông kê, đồng thời tìm hiểu liệu con đực con có những dấu hiệu suy giảm chức năng sản sinh insulin như vậy hay không. Bà Morris cho rằng điều quan trọng là nghiên cứu đã giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động tiềm năng từ cha mẹ đối với chức năng chuyển hóa của con cái.
Trả lời