Site icon Mỡ Máu .VN – Thông tin bệnh học, chia sẻ kiến thức sức khỏe

Làm thế nào để điều trị bệnh béo phì?

Mục đích của điều trị thừa cân và béo phì là giảm trọng lượng ở giai đoạn đầu rồi duy trì trọng lượng cơ thể ở mức độ hợp lý ở giai đoạn sau bằng các biện pháp sau:

nguoi-beo-phi

 Điều trị :

Chế độ ăn giảm calo: Lượng calo cung cấp giảm từ 20 – 25% so với tuổi và giới, loại trừ các loại đường hấp thu nhanh và mỡ bão hoà hoặc tương tương với 1.600-1.800kcal/ngày. Mục đích là giảm cân từ từ, không quá nhanh, khoảng 2-3kg/tháng.

Tăng cường hoạt động thể lực: Luyện tập thể dục, thể thao vừa sức sẽ giúp cơ bắp khỏe mạnh, thuận lợi cho lưu thông mạch máu, giúp cho dinh dưỡng khớp và sụn khớp tốt hơn. Cơ bắp khỏe mạnh sẽ giúp giảm lực đè ép lên các khớp xương trong khi vận động. Nên tập luyện tối thiểu 30 phút/ngày. Những hoạt động thể thao như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu… và các thể thao tập thể như bóng đá, bóng chuyền… nên được khuyến khích và động viên.

Các thuốc giảm béo với tác dụng ức chế hấp thu mỡ được bác sĩ chỉ định trong những trường hợp nặng mà sử dụng các phương pháp trên không kết quả.

Phẫu thuật: một số trường hợp nặng, không đáp ứng với các biện pháp kể trên, phẫu thuật làm hẹp dạ dày sẽ được đặt ra.

Phối hợp với điều trị các bệnh lý đi kèm với béo phì như thuốc chống thoái khớp, thuốc giảm đau, thuốc hạ huyết áp, thuốc hạ mỡ máu…

Thừa cân và béo phì gây hậu quả gì?

Béo phì là yếu tố nguy cơ của nhiều bệnh tật của nhiều cơ quan, bộ phận trong cơ thể như:

– Hệ tim mạch: tăng huyết áp, xơ vữa mạch máu, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, hẹp tắc động mạch chi.

– Hệ hô hấp: giảm thông khí, ngừng thở khi ngủ là một biến chứng rất nguy hiểm.

– Hệ nội tiết, chuyển hóa: tình trạng kém dung nạp glucose, kháng insulin, nặng hơn là bệnh tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ máu, tăng acid uric gây bệnh gút.

– Tác động về tâm sinh lý: tự ti, trầm cảm, khó hòa nhập cộng đồng.

– Một số bệnh ung thư như ung thư thực quản, trực tràng, vú…

Tổ chức Y tế Thế giới đã dùng chỉ số nhân trắc học dựa vào chiều cao và cân nặng, đó là chỉ số cơ thể (BMI) tính bằng cân nặng cơ thể (kg) chia cho chiều cao bình phương (mét) và phân ra các mức độ như sau: BMI dưới 18,5 kg/m2: gọi là thiếu cân, gầy; BMI từ 18,5 – 24 kg/m2 là bình thường; BMI từ 25 – 30kg/m2 là thừa cân và BMI trên 30 kg/m2 gọi là béo phì. Các chỉ số này thấp hơn một chút khi áp dụng cho người châu Á. Gần đây, với các kỹ thuật đo thành phần cơ thể hiện đại như đo bằng máy hấp thụ năng lượng kép sử dụng tia X (DEXA) cho phép xác định chính xác khối mỡ, khối nạc, khối xương toàn thân, giúp ích nhiều cho chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh. Tuy nhiên, do giá thành còn cao nên chưa được phổ biến rộng rãi.

 

TS. Đào Hùng Hạnh
Theo sức khỏe đời sống

Đánh giá bài viết
(Visited 36 times, 1 visits today)