Site icon Mỡ Máu .VN – Thông tin bệnh học, chia sẻ kiến thức sức khỏe

Giảm béo cho trẻ – Khó mà dễ

Mối lo lắng của các bậc cha mẹ hiện nay không phải là con suy dinh dưỡng, mà là bị thừa cân quá nhiều. Béo phì sẽ đi kèm với các bệnh như tim mạch, tiểu đường, tăng huyết áp…

Khuyến khích trẻ tập thể dục thể thao tránh béo phì

 Béo phì ở trẻ nhỏ còn nguy hiểm hơn, vì ngoài các bệnh nêu trên, trẻ béo phì còn ngừng tăng trưởng sớm dễ dẫn tới những ảnh hưởng nặng nề về tâm lý ở trẻ như: tự ti, nhút nhát, kém hòa đồng…

Trước tiên, cần đánh giá đúng thể trọng của trẻ. Để đánh giá thể trọng của trẻ thừa hay thiếu, có thể dựa vào chỉ số khối cơ thể (KCT) bằng cách lấy cân nặng chia cho bình phương chiều cao: KCT= trọng lượng/(chiều cao)2. Nếu KCT dưới 18: trọng lượng quá nhỏ; từ 18-20 là bình thường nhưng ở giới hạn dưới; từ 18,5-24,9 là bình thường; từ 25-29,9 là dư thể trọng bình thường; từ 30-34,9 là béo vừa phải; từ 35-39,9 là béo phì nặng; vượt quá 40 là béo phì ở mức báo động đỏ.

Khi thấy chỉ số KCT của con mình ở mức 25, bạn cần áp dụng ngay các biện pháp giảm cân khoa học. Các biện pháp đó là:

1. Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Trước tiên, bạn cần giảm tới mức tối đa đồ ngọt và béo trong khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ. Việc này rất khó, vì hầu hết trẻ thừa cân đều thích món ăn ngọt và béo. Bạn hãy hạn chế dần. Thay bánh, kẹo bằng trái cây có độ ngọt như dưa hấu, xoài… Thay mỡ bằng dầu thực vật. Cứ kiên trì như thế, trẻ sẽ thích nghi dần.

Cách chế biến món ăn cũng phải thay đổi. Nên dùng các món luộc, hấp, hoặc nướng hơn là rán, xào.

Khuyến khích trẻ dùng nhiều rau và trái cây, vì rau và trái cây ít năng lượng, đặc biệt lại giàu chất xơ có tác dụng chống béo phì rất tốt (chất xơ thực phẩm trong quá trình tiêu hóa sẽ hút nước nở ra làm cho các chất dinh dưỡng từ từ qua thành ruột để thấm dần vào máu, vì vậy hàm lượng đường trong máu chỉ tăng vừa mức và được duy trì chứ không tăng quá cao nên không bị cơ thể chuyển lượng đường thừa ấy thành mỡ để dự trữ các mô mỡ gây béo phì).

Giữa các bữa ăn nếu trẻ đói, có thể cho ăn hoa quả ít năng lượng như dứa, roi và củ đậu.

Riêng với protein thì không được giảm. Protein không chuyển hóa thành mỡ, nó tham gia xây dựng tế bào cấu tạo nên các mô và bù đắp liên tục lượng protein bị tiêu hao trong cơ thể. Nếu thiếu protein cơ bắp sẽ nhão, thiếu máu. Bởi vậy, các thức ăn giàu protein (tôm, cá, thịt nạc, trứng…) có thể ăn bình thường.

Hãy nghiêm khắc với con bằng cách nói cho chúng hiểu về tác hại của chứng béo phì, tác hại của các món ăn “nguy hiểm” đó. Tuy nghiêm khắc, nhưng đừng biến việc ăn kiêng thành cực hình đối với trẻ. Thỉnh thoảng nên nới lỏng cho trẻ thư giãn với món ngọt mà chúng thích. Hãy cho trẻ dần dần hiểu ra tầm quan trọng của việc ăn kiêng để lấy lại sự cân bằng trọng lượng.

Tuyệt đối không bắt trẻ nhịn ăn hoặc ăn quá ít, vì như vậy, trẻ sẽ mỏi mệt, luôn buồn ngủ, học hành kém đi, sức đề kháng của cơ thể giảm sút và do đó sẽ dễ bị bệnh tật. Đối với các trẻ trên 10 tuổi, năng lượng cần thiết mỗi ngày là khoảng 1.000-1.300 calo. Nếu con bạn ở mức quá béo, việc ăn kiêng bắt buộc phải có sự tư vấn của bác sĩ để tránh tình trạng sụt cân quá nhanh, hay hạ đường huyết ở trẻ.

2. Khuyến khích trẻ vận động và tập luyện thể thao

Động viên trẻ tập thể dục thể thao hằng ngày bằng cách cả gia đình cùng tập luyện. Như thế, trẻ sẽ thấy mình không bị lạc lõng và hưng phấn hơn, kết quả sẽ khả quan hơn. Nếu không có thời gian tập cùng trẻ, bạn hãy cho trẻ tham gia vào các câu lạc bộ thể thao để trẻ có môi trường tập luyện nghiêm túc. Đừng bao giờ để trẻ bỏ dở bài tập giữa chừng. Nếu thấy trẻ nản chí, hãy “hâm nóng” tinh thần bằng cách bạn hãy tham gia tập cùng trẻ, rủ bạn bè của trẻ tập cùng. Cha mẹ phải luôn luôn nói cho trẻ thấy vai trò quan trọng của việc tập luyện để có được một thân hình đẹp.

Ngoài tập thể thao, hãy khuyến khích trẻ tham gia các trò chơi ngoài trời. Đây cũng là một cách tập luyện rất hữu ích, lại phù hợp với tâm lý của trẻ.

3. Hạn chế xem tivi

Tivi, các trò chơi điện tử… là bạn đồng minh của béo phì. Theo một số nghiên cứu, trong khi xem tivi, sự trao đổi chất giảm đáng kể. Hãy tách trẻ ra khỏi màn hình tivi bằng cách yêu cầu trẻ giúp đỡ bạn làm việc nhà, vui đùa với em hay vật nuôi…

4. Ngủ đủ giấc

Ngủ ít cũng gây béo phì làm giảm tiêu mỡ (quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ). Hãy để trẻ ngủ ít nhất 9-10 giờ đồng hồ mỗi ngày. Nên cho trẻ đi ngủ sớm và thức dậy sớm, sẽ có lợi cho sức khỏe hơn.

5. Động viên và khích lệ trẻ

Hãy động viên trẻ một cách hợp lý về chiến dịch giảm cân của trẻ. Sự động viên kịp thời sẽ giúp trẻ tự tin hơn. Tuyệt đối không được chế nhạo hình thức của trẻ như một phương pháp “kích tướng”, vì làm như thế trẻ sẽ thấy xấu hổ, tủi thân. Thực tế là không ít trẻ do bị chế nhạo quá nhiều đã ì ra và trở nên bất cần hơn.

Đánh giá bài viết
(Visited 52 times, 1 visits today)