Theo bác sĩ Lê Thị Kim Quí, quyền Phó giám đốc TT Dinh dưỡng TP.HCM, béo phì ở trẻ em đã trở thành hiện tượng dịch tễ cần cả xã hội quan tâm.
Trẻ béo phì ngày một gia tăng
Chị Phan Thị Lựu (Q.4) có con 3 tuổi nhưng nặng tới 31 kg. Chị Lựu kể, khi bé 2 tuổi, được 14,5 kg – đó là cân nặng bình thường. Thế nhưng ông bà luôn miệng chì chiết: “Cô nuôi con thế nào mà để thằng cháu đích tôn của tôi sắp suy dinh dưỡng rồi đấy!”. Hai ông bà chăm bẵm, cho cháu ăn hầu như suốt ngày. Cậu bé lên cân vùn vụt, có ngấn cổ, ngấn má… khiến ông bà rạng rỡ. Chỉ sau 1 năm cậu đã phệ ra như… Di lặc lúc nào không hay!
Đó chỉ là một trong vô số trường hợp trẻ béo phì vì cha mẹ thiếu hiểu biết. Theo bác sĩ Quí, tình trạng béo phì ở trẻ nhỏ rất cao, do nhận thức của người dân về béo phì chưa cao. Đa số chúng ta chưa thấy được béo phì là nguy hại. Người châu Á vẫn thích sự bụ bẫm của trẻ. Các bé mới sinh có ngấn được coi là “sổ sữa”, những em bé tuổi đến trường mập mạp bụng tròn căng, cha mẹ cho như thế mới có sức khỏe. Nhiều em cân nặng bình thường nhưng mặt hơi nhỏ thì bố mẹ tỏ ra lo lắng cho rằng con suy dinh dưỡng, nên “thúc” ăn bằng mọi cách. Rất ít cha mẹ có ý thức đưa con đi khám thừa cân, béo phì vì chưa thấy được sự nghiêm trọng của vấn đề. Đa số những người đưa con đi khám là khi béo phì đã gây bệnh cho trẻ.
Khi chất lượng cuộc sống ngày một cao, bữa cơm của người Việt được “nâng cấp” làm cho thói quen ăn nhiều rau được “cải thiện”, những gia đình sung túc coi thịt cá là món ăn chính. Bánh kẹo, thực phẩm giàu năng lượng, nước ngọt đóng chai… tràn ngập trên thị trường. Tủ lạnh của các gia đình thành phố luôn đầy ắp những đồ ăn giàu chất đường, chất béo. Cha mẹ nào cũng muốn dành cho con tất cả những gì ngon nhất, tốt nhất.
Dinh dưỡng giàu năng lượng, cộng với lối sống tĩnh tại ít vận động là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng béo phì ở trẻ nhỏ. Cuộc sống thành thị ít không gian sinh hoạt chung ngoài trời, thậm chí nhiều nhà trẻ, trường học cũng không có sân chơi. Ngày nay đa số trẻ giải trí bằng vi tính và truyền hình. Ngay cả ngày nghỉ cũng rất hiếm cha mẹ dẫn con đi công viên để chúng được chạy nhảy, hít thở không khí trong lành. Đó cũng là những nguyên nhân dẫn đến béo phì.
Chữa béo phì cho trẻ, chuyện không nhỏ!
Một khảo sát ở trung tâm quận 1, TP.HCM, từ 1997-2002, tỷ lệ thừa cân – béo phì ở học sinh bậc tiểu học tăng gần gấp đôi (từ 12,2% năm 1997 lên 22,7% năm 2002). Nhìn vào những con số thống kê tuy chưa đầy đủ trên ta sẽ thấy tình trạng thừa cân, béo phì ngày một gia tăng mạnh ở trẻ em đô thị. Bác sĩ Quí nói: “Đã đến lúc chúng ta phải coi béo phì là một hiện tượng dịch tễ. Chúng ta cần có ý thức về chống thừa cân, mập phì cho trẻ ngay ở tuổi mầm non. Các phụ huynh phải hiểu: mập phì hôm nay là nguyên nhân bệnh tật sau này. Hãy vì chất lượng cuộc sống của con cái trong tương lai, chúng ta nên thiết lập một chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý cho trẻ em”.
Béo phì không chỉ đơn giản ảnh hưởng tới thẩm mỹ như nhiều người vẫn nghĩ. Những trẻ em béo phì khi lớn lên sẽ có nhiều nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tim mạch, tiểu đường, cao huyết áp… rất nguy hiểm cho sức khỏe. Một nghiên cứu trên hơn 300 trẻ béo phì tại khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 từ năm 2000-2002 cho thấy 74,3% bị rối loạn lipid máu, 39,1% gan nhiễm mỡ, 18,3% bị rối loạn đường huyết lúc đói và 2,7% số cháu bị cao huyết áp. Nhiều em bé do béo quá, số cân nặng thừa đã lớn gấp đôi trọng lượng cơ thể, khiến đi đứng nặng nề, đã bị ảnh hưởng tới khung xương, gây thoái hóa khớp.
Ngoài ra, bác sĩ Quí cho biết: “Các chỉ số sinh học của trẻ béo phì đã bị sai lệch, cơ thể phản ứng với bệnh tật cũng khác trẻ bình thường nên khó khăn hơn khi đánh giá tình hình để chữa trị”. Các trường hợp tìm ven ở tay rất khó, khi cần tiếp nước thì cũng gây lúng túng cho bác sĩ.
Trẻ em trong tuổi đến trường bị béo phì thường rất hay mặc cảm, bị chúng bạn chế giễu và khó hòa đồng với đám đông, sẽ kém cơ hội thành đạt khi trưởng thành.
Việc chữa trị béo phì ở trẻ rất khó khăn, khó hơn nhiều lần so với việc chữa suy dinh dưỡng. Theo bác sĩ Quí, có 3 lý do tác động tới việc khó giảm số trẻ thừa cân, béo phì: nhận thức của cha mẹ về béo phì còn chưa tốt, các bậc phụ huynh chưa lập được chế độ ăn kiêng hợp lý cho trẻ, thị trường thực phẩm đa dạng ngày nay càng kích thích tính thèm ăn của trẻ nên việc kiêng khem ở lứa tuổi này là rất khó. Tại một số trường mẫu giáo có chế độ ăn riêng và luyện tập riêng cho trẻ thừa cân: ăn ít hơn các bạn bình thường và ăn ít chất béo, chất đường, phải vận động nhiều bằng cách mang ghế cho các bạn, tập chạy trong sân trường… thế nhưng trẻ bao giờ cũng có những “chiêu” riêng của chúng: trong giờ ăn ở một trường mẫu giáo nọ, các em béo phì ăn như gió khẩu phần của mình rồi ngồi gõ bát nhìn quanh chờ đợi. Mấy bạn lười ăn nhìn trước nhìn sau đợi cô giáo không để ý lén trút đồ ăn sang bát các bạn mập để bạn “gánh” hộ! Thế là kết quả luyện tập kiêng khem… hóa ra công cốc! Nhiều em bé thèm ăn quá, các bà mẹ thấy thương nên tặc lưỡi: ai lại “bóp mồm bóp miệng” trẻ con bao giờ! Tình mẫu tử trong trường hợp này lại hóa ra là hại trẻ.
Việc điều trị béo kéo dài nhiều năm và phải thật nghiêm túc tuân thủ chế độ và chỉ định của bác sĩ mới có cơ may có kết quả. Một bé trai 16 tuổi nặng tới 119 kg, đã theo dõi tại TT Dinh dưỡng 1 năm qua. Sau một thời gian có giảm được 5 kg, nhưng chỉ sau 1 tháng nghỉ Tết vừa qua em đã tăng lên 6 kg!
Có một nghịch lý rất nực cười, đó là nhiều em bé sau thời gian bị suy dinh dưỡng lại chuyển sang giai đoạn béo phì do ăn uống, tẩm bổ quá nhiều. Và để trở về trọng lượng bình thường là cả một cuộc chiến gian nan mà chưa chắc đã có kết quả. Ở trẻ em tuổi đến trường mà bị béo phì thì có tới một nửa số trẻ sẽ bị béo phì ở tuổi trưởng thành.
Mới đây thôi, chúng ta còn lo chuyện ăn sao cho đủ chất thì nay chống béo phì lại có vẻ “nóng” hơn chuyện suy dinh dưỡng. TT Dinh dưỡng TP.HCM, nơi đi đầu trong việc quan tâm tới vấn đề dinh dưỡng của xã hội, trong nhiều năm gần đây đã triển khai những nghiên cứu về tác hại của béo phì cũng như cách điều trị hiệu quả. Để giảm béo phì ở trẻ em, bác sĩ Quí cho biết, TT Dinh dưỡng đã có các buổi nói chuyện với cộng đồng, tuyên truyền ở nhà trường, nhà trẻ… chương trình “Sống vui khỏe, giảm thừa cân” của TT năm 2004 được triển khai trên địa bàn TP thông qua việc đào tạo các hạt nhân tuyên truyền viên cho các quận huyện. Trong tương lai, tại TT sẽ mở phòng vật lý trị liệu cho trẻ em thừa cân, béo phì.
Trả lời