Cao 1m63, nặng 45 kg, chị Như thuộc dạng mình hạc xương mai. Lúc nào chị cũng nghĩ người gày cũng có lợi thế của nó là không lo sợ mắc mấy bệnh do béo phì kiểu như gan nhiễm mỡ, tiểu đường, tăng huyết áp… Thế nên khi biết bệnh, chị không tin, tưởng bác sĩ trả nhầm kết quả.
“Người mình gày đét, có chỗ mỡ thừa nào đâu mà có mỡ trong máu. Nhưng nghĩ lại trước đây đã có lần mình thấy hoa mắt, chóng mặt, bác sĩ bảo có thể do mỡ trong máu cao dẫn đến tăng huyết áp. Lúc đó mình chỉ nghĩ đơn giản làm việc nhiều nên mệt thôi“, chị Như nói.
Cũng giống như chị Như, rất nhiều người Việt Nam vẫn cho rằng người gày thì không bao giờ bị mỡ máu cao. Đây là một quan niệm sai lầm. Gày và mỡ trong máu là hai thông số độc lập với nhau, bác sĩ Ngô Chí Hiếu, Trưởng khoa Hồi sức, Bệnh viện Tim Hà Nội cho biết.
“Đúng là trong số những người bị béo phì thì tỷ lệ bị máu nhiễm mỡ cao hơn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người gày không mắc bệnh này“, bác sĩ Hiếu nói.
Theo bác sĩ, máu nhiễm mỡ là từ mà nhiều người dân hay dùng, y học gọi là rối loạn lipid máu hay mỡ máu cao. Bình thường trong máu có một tỷ lệ mỡ nhất định, được đánh giá bằng chỉ số xét nghiệm cholesterol, triglycerid… Nếu các chỉ số này cao hơn mức cho phép thì gọi là mỡ máu cao. Trong đó, cholesterol cao là chỉ số đặc trưng của bệnh.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh: di truyền, yếu tố gia đình, chế độ ăn, sinh hoạt không hợp lý, như ăn quá nhiều thịt chó, phủ tạng động vật, tiết canh, hải sản…, uống nhiều rượu bia, dẫn đến rối loạn chuyển hóa mỡ.
Biểu hiện bệnh ở người trẻ thường thầm kín, hầu như không có triệu chứng. Nhiều người chỉ vô tình phát hiện ra bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc thấy huyết áp cao, đau đầu thì đi làm thêm xét nghiệm máu thì đã thấy bị mỡ máu cao. Ở người già thì biểu hiện rõ ràng hơn, có đến 90% là tăng huyết áp, đái tháo đường đi kèm với tăng mỡ máu, bác sĩ Hiếu cho biết.
Bệnh nguy hiểm ở chỗ nếu không điều trị về lâu dài sẽ có thể dẫn đến nhiều biến chứng như: xơ, dày thành mạch máu, làm tăng huyết áp, tắc mạch máu đặc biệt mạch máu ở não và mạch vành, gây tai biến biến, suy tim về sau.
“Phần nhiều bệnh nhân phát hiện ra bệnh khi đã có biến chứng. Có trường hợp hoàn toàn không có triệu chứng gì, nhưng khi vào viện thì đã liệt nửa người, tai biến, nhập viện trong tình trạng cấp cứu“, bác sĩ Hiếu nói.
Trong khi đó, cũng theo bác sĩ, nếu phát hiện sớm, có người chỉ cần chỉnh chế độ ăn, là tỷ lệ mỡ trong máu gần như trở lại bình thường. Trường hợp không đáp ứng được thì dùng thuốc điều chỉnh. Đây là cả một quá trình lâu dài, vì còn tùy thuộc vào độ nhạy của thuốc, kiêng khem của từng người và không có một liều nhất định.
Người mắc bệnh cần có chế độ ăn uống và tập thể dục hợp lý, giảm ăn mỡ, phủ tạng động vật, đồ chiên rán, hạn chế rượu bia, uống nhiều nước.
Trả lời