Menu

Rối loạn mỡ máu: Bệnh phổ biến

Rối loạn mỡ trong máu, còn gọi là tăng mỡ trong máu hay tăng cholesterol máu là bệnh khá phổ biến hiện nay. 

 roi-loan-mo-mau

Bệnh thường xảy ra ở những người dư cân, béo phì, tuy nhiên có nhiều người gầy, những người không ăn mỡ, trứng vẫn bị rối loạn mỡ trong máu.

Rối loạn mỡ trong máu là nguy cơ chính của nhiều bệnh nguy hiểm như xơ mỡ động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, cao huyết áp,…

Rối loạn mỡ trong máu là bệnh lý có tăng thành phần mỡ gây hại và/hoặc giảm thành phần mỡ bảo vệ cho cơ thể. Mỡ trong máu hiện diện dưới 2 dạng chính là cholesterol và triglycerid. Cholesterol không phải là chất hoàn toàn gây hại cho cơ thể. Cholesterol là thành phần cấu tạo chủ yếu của màng tế bào, sợi thần kinh và của nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật giúp tiêu hóa thức ăn.

Cholesterol có nguồn gốc từ thức ăn hàng ngày trong thịt, mỡ, trứng… chiếm 20% nhu cầu cholesterol trong cơ thể và do gan tạo ra chiếm đến 80%. Gan có khả năng tổng hợp cholesterol từ những chất khác như đường, đạm. Điều này lý giải tại sao nhiều người không ăn mỡ, trứng như những người ăn chay trường lâu năm hoặc những người gầy vẫn bị rối loạn mỡ trong máu.

Cholesterol gây hại khi chúng thấm vào thành mạch máu hình thành mảng xơ mỡ động mạch. Còn cholesterol có lợi khi chúng chống lại quá trình xơ mỡ động mạch bằng cách mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan. Cho nên nói tăng cholesterol hay tăng mỡ trong máu là không chính xác mà phải gọi là rối loạn mỡ trong máu vì đôi khi không có tăng thành phần gây hại nhưng có giảm thành phần bảo vệ thì vẫn gọi là rối loạn mỡ trong máu.

Thay đổi lối sống

Theo Tổ chức Y tế thế giới, giải quyết được rối loạn mỡ trong máu là cần thiết để hạn chế tai biến mạch vành tim, mạch máu não và giảm tỷ lệ tử vong do biến chứng mạch máu.

Điều trị không dùng thuốc có tác dụng như phòng ngừa rối loạn mỡ trong máu, nếu thực hiện tốt có thể giảm được 15 – 20% cholesterol toàn phần. Nên ngừng hút thuốc lá, không uống quá nhiều rượu, thay đổi thói quen ăn uống, tập thể dục thể thao. Trong đó, ngừng hút thuốc lá là việc làm cần thiết quan trọng với bệnh nhân rối loạn mỡ trong máu. Thuốc lá là yếu tố góp phần làm thúc đẩy quá trình xơ mỡ động mạch và làm tăng cholesterol gây hại.

Nếu bị béo phì hay dư cân nặng cần giảm cân. Hạn chế các loại chất béo. Nếu không kiêng được tuyệt đối thì đừng ăn quá 1/3 mỡ bão hòa trong nhu cầu chất béo hàng ngày. Tránh ăn các loại thức ăn có nhiều cholesterol như sữa toàn phần, kem, trứng, phủ tạng động vật như gan, lưỡi, thận,…

Ngoài việc kiêng cữ trong ăn uống thì việc tập thể dục thể thao sẽ góp phần tăng tác dụng của việc kiêng ăn. Tập thể dục thể thao nhịp nhàng dưới các hình thức đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp… ở mức độ không gắng sức là phù hợp. Tập đủ thời gian và thường xuyên, mỗi lần tập cố gắng đủ 30 – 45 phút và ít nhất tập thường xuyên 4 lần trong một tuần.

Nếu bị béo phì, dư cân nặng và không tập thể dục nhiều năm thì nên quyết tâm tập luyện, lúc đầu tập ít sau tăng dần,cố gắng tập đều đặn. Sau khi áp dụng chế độ điều trị không dùng thuốc từ 3 – 6 tháng mà vẫn không cải thiện được tình trạng rối loạn mỡ trong máu, đặc biệt là cholesterol có hại còn cao thì bác sĩ sẽ cho dùng thêm thuốc hạ mỡ trong máu. Thuốc phải được dùng dưới sự chỉ định và theo dõi của bác sĩ, vì thuốc ngoài tác dụng hạ mỡ trong máu còn gây nhiều tác dụng phụ khác.

Tác giả bài viết: ThS. BS. PHAN HỮU PHƯỚC (Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, TP. Hồ Chí Minh)

Đánh giá bài viết
(Visited 140 times, 1 visits today)

No comments

Trả lời

TINH LÁ SEN LÀ GÌ?