Menu

An toàn vệ sinh thực phẩm ngày Tết: Nỗi lo luôn hiện hữu

Mỗi dịp Tết đến, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân tăng lên rất nhiều và đi liền với đó là nỗi lo về an toàn vệ sinh thực phẩm.                                            
tpdoc1

Thực phẩm ngày Tết, nỗi lo thường trực

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo: Khi nhu cầu tiêu dùng lớn, nếu không kiểm soát tốt sẽ là cơ hội để các sản phẩm thực phẩm trôi nổi, kém chất lượng bung ra thị trường… 

Báo cáo của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) cho thấy,  cả nước đã xảy ra 147 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 5.000 người mắc, gần 4.000 người phải nhập viện và 33 người tử vong. So với năm 2008 giảm 53 vụ, giảm 26,3%, số người mắc giảm 30,6%, tử vong giảm 45%. Đáng lưu ý, trong số này chỉ có 30% các vụ ngộ độc được xác định là do sử dụng thực phẩm nhiễm vi sinh vật (Salmonella, E.coli…), độc tố tự nhiên và nhiễm hóa chất, số còn lại không xác định được nguyên nhân.

Nhìn một cách tổng thể, tình hình ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Liên tục trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về VSATTP. Hàng tấn mỡ động vật đã thối rữa vẫn được vận chuyển công khai đi tiêu thụ; thịt gia súc, gia cầm bày bán tràn lan nhưng không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch thú y; bánh mứt kẹo, ô mai, hạt dưa đỏ tẩm ướp hoặc nhuộm hóa chất độc hại, tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc…

Mới đây nhất, thanh tra Sở Y tế TP.HCM đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại một cơ sở chuyên sản xuất các loại mứt phục vụ Tết. Chưa kể đến những vi phạm về điều kiện vệ sinh, dụng cụ nhà xưởng sản xuất, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng trăm thùng ngâm nguyên liệu là các loại hoa quả tươi lẫn dòi bọ bám lúc nhúc, nhiều mứt thành phẩm bị mốc đen. Với kiểu sản xuất mất vệ sinh như vậy khiến nhiều người không khỏi rùng mình khi nghĩ đến món mứt khoái khẩu trong những ngày Tết. Tất cả những vi phạm được phát hiện là bằng chứng để mỗi người dân luôn nơm nớp với nỗi lo mua phải thực phẩm “bẩn”.

Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Nguyên Đán song hiện nay trên thị trường các mặt hàng phục vụ Tết đã tràn ngập thị trường. Các cơ sở sản xuất bánh, mứt, kẹo tại làng nghề truyền thống như Xuân Đỉnh (Từ Liêm), La Phù, Dương Liễu (Hoài Đức)… cũng đang khẩn trương bước vào vụ sản xuất để kịp cung cấp hàng cho dịp Tết. Hàng hóa thì nhiều, mẫu mã chủng loại đa dạng, phong phú song chất lượng có đảm bảo VSATTP hay không thì chỉ…nhà sản xuất mới biết.

Tại một số chợ, phố Hàng Buồm (Hà Nội) – những nơi tập trung nhiều mặt hàng bánh mứt kẹo…cho thấy, rất nhiều loại bánh kẹo, mứt, ô mai được đóng trong các bao nilon hoặc bao tải trong tình trạng “ba không”: Không nguồn gốc địa chỉ sản xuất, không nhãn mác, không hạn sử dụng”. Những sản phẩm này được bày bán theo cân, theo lạng.

Tinh vi hơn, mới đây tại TP. HCM, cơ quan chức năng còn phát hiện một số loại thực phẩm khô như me, táo, xí muội…có xuất xứ từ Trung Quốc nhưng đã bị xé bao bì Trung Quốc và đóng vào bao bì khác để giả mạo xuất xứ từ Việt Nam nhằm đánh lừa người tiêu dùng để trục lợi.

Bên cạnh đó, các sản phẩm giò, chả… cũng chủ yếu vẫn được sản xuất theo kiểu thủ công truyền thống nhỏ lẻ, điều kiện sản xuất, trang thiết bị không đảm bảo nên chất lượng rất khó được kiểm soát chặt chẽ. Nhiều cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm vẫn nằm ngoài tầm quản lí của cơ quan chức năng khiến cho thị trường vẫn phát hiện các loại thực phẩm không “sạch”…

Ngoài ra, nhu cầu thực phẩm tăng cao trong dịp Tết cũng chính là điều kiện thuận lợi để cho các loại thực phẩm nhập lậu, kém chất lượng tràn vào nước ta. Đáng lo ngại là hầu hết thực phẩm không nguồn gốc đều sử dụng phụ gia, đặc biệt là phẩm màu độc hại, quá liều lượng cho phép. Phẩm màu được sử dụng nhiều nhất trong những hộp mứt, bánh kẹo gia công. Hóa chất độc hại trong phẩm màu có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng lâu dài tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới ung thư.

Trông chờ vào đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp

Để đảm bảo các nguồn thực phẩm an toàn, chất lượng phục vụ người dân trong dịp Tết Nguyên đán Canh Dần, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đã thành lập 10 đoàn thanh tra liên ngành, tập trung kiểm tra quyết liệt các mặt hàng thực phẩm Tết như các loại bánh mứt kẹo, ô mai; các sản phẩm chế biến từ thịt, dịch vụ ăn uống tại 30 tỉnh, thành phố… trong đó chú ý đến các tiêu chuẩn chất lượng như nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác, điều kiện sản xuất…Tuy nhiên bên cạnh việc các cơ quan chức năng ráo riết vào cuộc thì vấn đề tự ý và đề cao đạo đức của những người sản xuất, kinh doanh là yếu tố vô cùng quan trọng quyết định đến chất lượng thực phẩm.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục VSATTP lí giải: “Trong điều kiện nước ta hiện nay dù có thanh tra, kiểm tra đến đâu nhưng không tích cực tuyên truyền và tự nâng cao đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp thì không thể làm tốt công tác đảm bảo VSATTP. Dù có 1 ông thanh tra hay đến 10 ông thanh tra mà cơ sở đó vẫn cố tình vi phạm thì cũng không thể tránh khỏi thực tế là các sản phẩm kém chất lượng vẫn lọt ra ngoài thị trường”.

Cũng theo ông Phong, có một thực trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ sở sản xuất chấp hành đầy đủ việc đăng kí, công bố tiêu chuẩn sản phẩm. Nhưng đến khi sản xuất thì lại “công bố một đằng, làm một nẻo”. Chính vì vậy bên cạnh việc làm tốt công tác tiền kiểm, cần phải đẩy mạnh công tác hậu kiểm nhằm đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm lưu thông trên thị trường. Khi phát hiện các sai phạm cần được xử lí nghiêm để tránh tình trạng tái diễn. Ông Phong khẳng định. “Chúng ta không thiếu các chế tài xử phạt nhưng vấn đề đặt ra là cán bộ thanh tra phải phát hiện và xử lí các sai phạm đúng quy định”.

Tuy nhiên, trong “cuộc chiến” chống lại tình trạng mất VSATTP, thái độ của người tiêu dùng cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Nếu mọi người cùng đồng lòng “tẩy chay” các loại thực phẩm kém chất lượng, lựa chọn các thực phẩm tại các cơ sở có uy tín, thực phẩm đã được kiểm định, có nguồn gốc rõ ràng thì sức khỏe của người dân sẽ được đảm bảo, an toàn hơn.

Đánh giá bài viết
(Visited 34 times, 1 visits today)

No comments

Trả lời

TINH LÁ SEN LÀ GÌ?